Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) đã phân tích, làm rõ nét vai trò, mục tiêu của Đề án này trong công cuộc đổi mới của toàn ngành.
Khẳng định vai trò của CNTT
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” (Đề án), vậy ông có thể cho biết vị trí, vai trò của Đề án trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện mà ngành đang triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 29 của T.Ư Đảng?
Tôi có thể khẳng định rằng đây là một trong những Đề án trọng điểm của Bộ GD&ĐT nhằm góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT với vai trò quan trọng của CNTT, phù hợp xu hướng quốc tế. Đề án nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 của BCHT.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36 - NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế sâu rộng, thế giới đứng trước cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT cần gắn chặt với nâng cao, tăng cường ứng dụng CNTT là hơn lúc nào hết. Ứng dụng CNTT cần gắn liền với tất cả các lĩnh vực của ngành, từ công tác quản lý, dạy - học cho tới nghiên cứu khoa học.
Ứng dụng CNTT không chỉ còn là một giải pháp hỗ trợ đắc lực, mà còn là một tư tưởng chủ đạo, tăng cơ hội học tập cho tất cả mọi người, học mọi lúc mọi nơi, giảm chi phí, thời gian, công sức của xã hội, góp phần quan trọng xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Trong bối cảnh ấy, Đề án đóng một vai trò quan trọng giúp hoạch định chính sách vĩ mô, tạo ra khung cơ sở pháp lý và khung hoạt động để các đơn vị địa phương tổ chức thực hiện đúng định hướng, tránh tình trạng đầu tư triển khai ồ ạt, gây lãng phí và không hiệu quả. Đây là Đề án khung, mang tính định hướng để các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động thực hiện.
Để thực hiện Đề án, nguồn kinh phí sẽ được lấy từ đâu, thưa ông?
Nguyên tắc tài chính của Đề án chủ yếu tận dụng nguồn vốn đầu tư từ xã hội hóa, theo phương thức thuê dịch vụ CNTT, thực hiện chủ trương Chính phủ tại Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 về việc quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước. Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng các hệ thống thông tin tập trung, kho tài nguyên dùng chung, hệ thống bồi dưỡng qua mạng nhằm tránh lãng phí. Các hoạt động này sẽ gắn với nhiệm vụ trọng tâm của Cục CNTT nói riêng và Bộ GD&ĐT nói chung.
Góp phần nâng chất trong quản lý GD
Ông có thể cho biết rõ hơn mục tiêu tổng quát của Đề án là gì và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào đã được đề ra để hoàn thành những mục tiêu đó?
- Các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án được xây dựng dựa trên 3 nhóm hoạt động chính trong ngành giáo dục: Quản lý giáo dục, dạy - học, nghiên cứu khoa học và nâng cao, phát triển năng lực đội ngũ và nguồn nhân lực CNTT.
Đối với giải pháp thúc đẩy ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục, Đề án hướng tới hình thành cơ sở dữ liệu toàn ngành GD&ĐT do Bộ GD&ĐT chủ trì, đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương; triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử và liên thông toàn ngành; quản lý học sinh, giáo viên, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ quản lý điện tử. Những giải pháp này nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy hiện đại hóa thủ tục, hành chính công, tăng cường hiệu quả quản lý thông qua môi trường mạng.
Đối với nhóm giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy - học, nghiên cứu khoa học, Đề án chú trọng xây dựng các hệ thống tập huấn, bồi dưỡng, kho học liệu trực tuyến dùng chung toàn ngành, xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến nhằm tăng tính hiệu quả và nhất quán trong thi, kiểm tra, đánh giá; ứng dụng dạy - học thông minh tại các cơ sở GD&ĐT có điều kiện; hình thành một số cơ sở đào tạo đại học trực tuyến. Với mục tiêu nâng cao tính chủ động của người dạy và người học, đồng thời giúp mọi người học ở khắp nơi trên đất nước tiếp cận được những nguồn thông tin GD&ĐT tốt nhất trong và ngoài nước, Đề án hướng tới đẩy mạnh sự hình thành xã hội học tập, tăng cường, đổi mới giá trị, vị trí của người dạy lẫn người học.
Đối với nhóm giải pháp nâng cao, phát triển năng lực đội ngũ và nguồn nhân lực CNTT, Đề án tập trung triển khai quản lý, bồi dưỡng, tập huấn (đặc biệt về năng lực ứng dụng CNTT) tới các cán bộ quản lý, giáo viên trên môi trường mạng; triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến về CNTT tại các trường đại học, lựa chọn các chương trình, giáo trình, khóa học trực tuyến của nước ngoài về CNTT.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vai trò của các địa phương trong việc thực hiện các giải pháp này?
- Như tôi đã nói ở trên, đề án hình thành khung cơ sở pháp lý và khung hoạt động để các đơn vị địa phương tham khảo và xây dựng kế hoạch cho địa phương mình. Ngày 23/3/2017, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Quyết định số 1166/BGD&ĐT-CNTT về việc hướng dẫn các địa phương triển khai Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/1/2017, xây dựng kế hoạch hoặc chương trình cụ thể triển khai tại địa phương mình. Theo đó, tùy theo điều kiện và chiến lược phát triển của từng tỉnh thành, các địa phương sẽ có những kế hoạch, quyết sách cụ thể và giải pháp trọng tâm tùy theo từng vùng. Với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi hy vọng Đề án sẽ giúp các địa phương được định hướng đúng đắn với một tầm nhìn chiến lược, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT của các địa phương.
Xin cảm ơn ông!
“Nhìn chung, đây là Đề án tổng thể, giải quyết các vấn đề cốt lõi và toàn diện nhất từ trước đến nay trong việc nâng cao, tăng cường ứng dụng CNTT trong giáo dục – đào tạo, theo đúng định hướng của Đảng và Chính phủ, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao độ của Chính phủ và ngành Giáo dục trong việc đổi mới căn bản và toàn diện, hướng giáo dục Việt Nam tới gần hơn với sự phát triển của thế giới”. Ông Nguyễn Sơn Hải. |
PV (thực hiện)